Bánh chưng là món bánh truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ tết của người Việt. Và ở mỗi vùng miền người ta lại cùng sáng tạo ra nhũng món bánh chưng khác nhau. Người Thái cũng không ngoại lệ, cứ đến những ngày ngọn gió đông chớm thổi họ lại rục rịch gói bánh chưng. Nhưng món bánh của người Thái là thứ bánh chưng màu đen ngon bùi khác lạ hơn cả.
Bánh Chưng Đen Mường Lò – Đặc Sắc Tây Bắc

Bánh chưng đen Mường Lò có hình dạng khác với bánh chưng miền xuôi. Các vị bô lão kể lại rằng vì muốn gắn kết hai dân tộc Thái với Khơ- mú nên đã tạo ra loại bánh này. Hai chiếc bánh như đôi bàn tay úp vào nhau tạo thành một chiếc bánh chưng đầy ý nghĩa.
Nếp phải là thứ hạt ngọc quý giá ở Tú Lệ. Lá dong xanh mướt và cắt bỏ gân lá cho dễ gói. Phần nhân thì vẫn bao gồm đậu xanh, thịt ba chỉ nhưng phần nếp được thêm vào mè đen. Đây cũng là nguyên liệu khiến món bánh chưng đen bùi béo khó cưỡng.
Cách Làm Bánh Chưng Đen Mường Lò
Nguyên liệu
- Gạo nếp nương
- Thịt heo ba chỉ, nhiều mỡ
- Đậu xanh
- Hoa vừng
- Một vài loại hương vị truyền thống
- Cây núc nác được người đồng bào Thái hái trên rừng mang về tước vỏ, phơi khô, đốt lấy than. Với công dụng là vị thuốc nên núc nác được người Thái yêu thích và sử dụng làm nguyên liệu quan trọng không thể thiếu và cũng là bí quyết làm nên bánh chưng đen chính là nằm ở bột than của cây núc nác.
- Lá dong bánh tẻ dùng để gói bánh
Cách làm bánh chưng đen Mường Lò
- Bước 1: Chọn gạo phải là gạo nếp nương thơm ngon, đậu xanh chắc hạt, không ẩm mốc.
- Bước 2: Đem gạo và đậu xanh được chọn ngâm trong nước cho bớt khô, loại sạn và vỏ đậu xanh.
- Bước 3: Sau khi rửa sạch cho đậu xanh vào nồi hấp chín. Thịt lợn chọn miếng có nhiều mỡ một chút, thái mỏng, ướp gia vị cho vừa ăn
- Bước 4: Lá dong bánh tẻ khi lấy từ rừng về rửa sạch, lau khô và cắt bớt gân cho lá mềm có như vậy mới dễ gói và gói đẹp.
- Bước 5: Bột than được lấy ra từ tro bếp của cây núc nác đem nghiền giã, sàng lọc để lấy ra tinh bột đem trộn với gạo nếp đã được ngâm sẵn. Gạo được trộn kĩ bằng tay cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen nhánh, đều thì làm bánh mới ngon.
- Bước 6: Gói bánh. Bánh chưng đen phải được gói thủ công, có hình tròn và dài.
- Bước 7: Luộc bánh phải là gỗ to, giữ lửa tốt, luộc khoảng chừng 8 đên 10 tiếng rồi vớt ra cho vào chậu nước lạnh rửa qua ròi treo lên cho để được lâu. Trong khi luộc thì cho những nhánh hoa vừng đen là món quà của núi rừng.
Ở khâu nhuộm đen hạt nếp, người ta dùng than cây núc nác. Phải trộn thật đều tay đến khi miết thật mạnh mà hạt nếp không phai màu thì xem như việc tạo màu đã hoàn tất. Rồi cùng nhau ngồi canh suốt đêm bên nồi bánh người ta như quên đi bao mệt nhọc ngày mùa. Từng cặp bánh sau khi vớt ra được treo lên cao cho ráo nước và không bị mốc.
Cách sử dụng và bảo quản

- Dùng để ăn ngay hoặc chấm với nước mắm cũng rất ngon. Bánh chưng đen Mường Lò cũng là một món quà cho những du khách muốn mua về tặng cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của mình.
Thưởng thức bánh chưng đen là sự hòa quyện giữa cái dẻo thơm của nếp, cái béo bùi của thịt, đậu xanh và mè đen, cả cái vị mộc mạc của núc nác và lá dong khiến miếng bánh cứ chần chừ nơi đầu lưỡi người ăn.
Bánh chưng đen Mường Lò tồn tại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người Thái không chỉ xem bánh chưng như một món ăn mà còn là thức quà để bày tỏ lòng biết ơn với người đi trước. Mà cũng chẳng phải là quá lời khi nói ngày Tết ăn miếng bánh chưng đen như nuốt cả đất trời Tây Bắc vào lòng.