Lập Thạch không chỉ có nguồn hải sản phong phú mà người dân còn khéo léo trong việc tạo ra các món bánh độc đáo. Bởi vậy cứ về đây người ta lại nghe văng vẳng câu hát “Bánh Nẳng chợ Tràng, Bánh gạo rang Tiên Lữ“. Chỉ nghe thôi cũng đủ biết rằng về vùng Chợ Tràng – Lập Thạch mà không ăn bánh nẳng thì chưa thể nói đã đến đây. Vậy Hãy cùng Trùm khám phá món ngon này ngay nhé.
Bánh Nẳng Lập Thạch – Hạt Ngọc Vĩnh Phúc

Lập Thạch không chỉ nổi tiếng với món Cá Thính mà các bạn đã xem trong bài trước. Lập Thạch Vĩnh Phúc còn nổi tiếng với nhiều món ngon truyền thống mà đặc biệt là Bánh Nẳng.
Bánh nẳng dùng gạo nếp cái hoa vàng ngâm trong nước nẳng. Nước nẳng là sự pha trộn giữa các loại cây ưa nắng như cành xoan, cành bưởi, lá si, tầm gửi…đốt lấy tro hòa tan với nước. Gạn lấy phần nước trong đem ngâm gạo một đêm. Bánh nẳng Lập Thạch được gói trong lá chít.
Bánh nẳng của chợ Tràng là một trong số các loại bánh ngon của vùng Lập Thạch. Nhờ vào bí quyết riêng mà bánh nẳng ở đây rất thơm và ngon.
Chợ Tràng thuộc xã Nhân Đạo, đây là một xã miền núi phía Tây Bắc của huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Cứ mỗi độ vào ngày mùng 2 tháng 2 âm lịch, người dân Nhân Đạo lại tổ chức lễ hội đình Chung, đây là ngôi đình thờ tướng Lữ Gia tham gia vào cuộc chiến chống giặc Hán. Và trong dịp đặc biệt này, người dân nơi đây sẽ sử dụng rất nhiều lễ vật và một lễ vật không thể thiếu đó chính là bánh nẳng.
Lịch Sử Bánh Nẳng Lập Thạch

Ông bà ngày xưa thường có câu “Bánh nẳng chợ Tràng, bánh gạo rang Tiên Lữ”. Bánh nẳng chợ Tràng là một loại bánh rất thơm và ngon. Đây cũng là một loại bánh dân dã, được sử dụng nhiều trong các dịp lễ, tết.
Nguyên liệu để làm bánh cũng rất đơn giản gồm có gạo nếp vàng, hạt gạo phải tròn có mùi thơm và dẻo. Tuy nhiên để có thể làm được những chiếc bánh nẳng ngon thì điều quan trọng nhất đó chính là nước nẳng, và đây cũng là bí quyết để tạo nên thương hiệu bánh ở chợ Tràng.
Nước nẳng làm bánh ở chợ Tràng thường được chưng cất từ rất nhiều vỏ cây, vỏ quả hoặc là lá cây của các loại cây trong rừng, có thể kể đến như là cây mận, bưởi, sở hoặc là chảu hoặc si…Đây đều là những loại cây chứa nhiều tinh dầu và có vị chát. Các loại cành lá của cây sau khi chặt sẽ được đem về để đốt thành tro. Rồi khi tro đã nguội thì sẽ đem đi tán cho nhỏ và hòa vào trong chậu nước, đánh cho thật đều tay và cuối cùng là lọc lấy phần nước trong.
Khi ngâm nước nẳng thì cần phải ngâm ở trong những đồ vật được làm bằng sành sứ. Tuyệt đối không ngâm ở trong đồ nhựa hay là bằng kim loại vì như thế sẽ làm ảnh hưởng tới màu sắc cũng như là mùi vị của nước nẳng. Bên cạnh đó, để tạo nên màu sắc của bánh nẳng giống như ý muốn thì người ta cũng có thể tự điều chỉnh bằng cách thêm hoặc là bớt đi một số loại lá cây khi đốt để lấy tro. Ví dụ như nếu muốn cho bánh có được màu vàng mịn thì khi đốt có thể sử dụng thêm lá cây táo hoặc là lá cây bưởi, còn nếu muốn cho bánh cho màu vàng giống như màu của mật ong thì khi đốt cho thêm lá cây chảu hoặc là cây sở…
Cách Làm Bánh Nẳng
Gạo nếp sau khi được làm sạch thì sẽ cho vào trong nước nẳng để ngâm với thời gian từ 8 cho đến 10 tiếng. Sau đó sẽ vớt gạo ra rồi để cho ráo nước, và đem gói bằng lá chít đã được rửa sạch và luộc kỹ từ trước đó.
Công đoạn gói bánh nẳng cũng rất là cầu kỳ, đầu tiên cần phải chuẩn bị chiếc mâm bằng gỗ hoặc là nia hay mẹt để gói bánh chứ tuyệt đối không được sử dụng mâm bằng nhôm, vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng tới màu sắc và mùi vị của bánh. Mỗi một chiếc bánh sẽ được gói khoảng 6 lá chít. Việc đầu tiên sẽ là rải lá ở trên mâm và phía bên ngoài lá đã được đặt lạt làm bằng giang. Sau đó sẽ đổ gạo vào trong phần giữa của lá, tiếp đến sẽ dàn gạo về hai phía cho thật đều, rồi tiến hành quấn bánh lại thật tròn, giống như là ống tre áng chừng khoảng có đường kính là 3m và dài khoảng 20cm là được. Ngoài ra còn có thêm một cách gói khác đó là buộc túm bánh ở hai đầu và ở giữa thì dùng lạt để cố định bánh.

Theo kinh nghiệm của các bà, các chị làm bánh ở Nhân Đạo thì khi gói, lạt quấn vừa tay để tránh khi gạo nở làm vỡ bánh hoặc bóc ra có vết lằn trên bánh; làm như vậy khi chín bánh nở ra sẽ có độ rền, dẻo.
Bánh nẳng sau khi gói xong thì cho vào nồi luộc, cứ một lớp bánh thì sẽ được rải thêm một lớp măng tre non. Trong quá trình luộc cần phải đổ nước liên tục để cho bánh ngập trong nước. Thời gian luộc bánh khoảng 6 tiếng đồng hồ, khi vớt bánh ra cần để cho thật nguội rồi lại dùng tay để lăn bánh để làm cho bánh thêm tròn và rền hơn.
Bóc lớp lá chít, chúng ta sẽ cảm nhận được hương thơm của gạo nếp trộn lẫn cùng với hương thơm của các loại cây rừng làm nước nẳng. Càng ăn lại càng thấy hấp dẫn.
Thưởng Thức Bánh Nẳng
Còn gì tuyệt vời hơn khi bạn được thưởng thức món bánh Nẳng ngon đặc biệt của Vĩnh Phúc. Nhưng để quý bạn không phải đọc quá nhiều. Chúng tôi xin gửi đến cho bạn một video để tăng phần hấp dẫn nhé. Chúc các bạn ngon miệng.
Chúc Các Bạn Vui Vẻ nhé.