Không giống với bánh cuốn những nơi khác là nhân với thịt bằm, nấm mộc nhĩ, bánh cuốn tôm của vùng biển Diêm Điền – Thái Bình chọn loại tôm vàng có lớp vỏ mỏng manh như tờ giấy bóng nhưng thịt lại cực ngọt, nhiều và thơm để làm nhân bánh cuốn.
Không để cho dạ dày của bạn phải chờ lâu nữa hôm nay Trùm sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ về món bánh cuốn tôm này nhé. Đảm bảo thèm … cho mà xem.
Bánh cuốn Tôm Thái Bình

Nằm ngay tại trung tâm thị trấn Diêm Ðiền, chỉ mất vài bước chân từ phía đường chính đi vào, ta đã có thể bắt gặp ngay một khu chợ đông đúc người lại qua, buôn bán đa dạng các mặt hàng hải sản, ấy chính là chợ Gú. Những hàng bánh cuốn nhân tôm nằm phía sâu bên trong chợ, xen kẽ bên những quán bún, phở, cháo, chè nhưng dễ nhận biết qua những bàn ăn chật kín, những bịch bánh được đóng sẵn, đặt ngay ngắn trên mặt bàn để phục vụ khách mang về.
Bánh cuốn nhân tôm bán ở chợ Gú ngày hai buổi sáng chiều. Tại đây, người ta đã quen với lời rao đặc trưng của người phụ nữ miền biển: “Ai bánh cuốn đi, ai bánh cuốn nào, bánh cuốn Diêm Ðiền, bánh cuốn nhân tôm đây”.
Nghe danh bánh cuốn nhân tôm nhiều người lầm tưởng với món bánh “quý tộc” nhân là những con tôm to tròn xuất hiện trong những nhà hàng sang trọng, nhưng bánh cuốn nhân tôm chợ Gú lại là món ăn hết sức bình dân với phần nhân thịt tôm xay nhuyễn giá chỉ từ 15.000 – 17.0000 đồng/kg ai cũng có thể mua.
Món ăn này đã xuất hiện ở chợ Gú hơn nửa thế kỷ trước. Vì là quê hương miền biển, lắm cá nhiều tôm nên người dân nơi đây đã tận dụng chính nguyên liệu sẵn có để tạo ra món ăn độc đáo này.
Cách Làm Món Bánh Cuốn Tôm Ngon

Để có được món bánh cuốn ngon, hai yếu tố quan trọng nhất là phần bánh tráng và phần nhân bánh phải được chuẩn bị kỹ ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu.
Ðể làm phần bánh tráng, trước kia người ta dùng gạo Mộc Tuyền còn ngày nay loại gạo sử dụng phổ biến là Q5. Các loại gạo này nấu cơm tuy cứng nhưng làm bánh thì rất phù hợp. Nó tạo nên độ giòn, dai cho vỏ bánh vì lớp bánh tráng rất mỏng nên bánh vẫn giữ được độ mềm dẻo, không bị nát.
Trước kia, để làm bánh tráng, người thợ làm bánh thường rất vất vả, thức khuya dậy sớm để xay, tráng. Ngày nay, nhờ khoa học công nghệ, công đoạn làm bánh tráng được “nhường” lại cho máy móc, người thợ bánh cũng phần nào đỡ vất vả hơn. Bánh tráng hiện nay đã không cần đến sức người, nhưng phần nhân bánh thì không máy móc nào có thể thay thế được.
Tôm biển tươi sau khi sơ chế đem bóc nõn, xay nhuyễn, mỡ hành phi thơm nức, thợ bánh thả tôm xay vào xào cùng mộc nhĩ, hành lá, tùy vào bí quyết của từng gia đình mà có cách nêm nếm gia vị khác nhau để tạo hương vị riêng cho món ăn.
Bánh cuốn tôm chợ Gú được coi là thành công khi hòa quyện được màu trắng tươi của vỏ bánh, màu vàng lòng tôm, kết hợp với xanh của lá hành, khi cắt ra đĩa trông đẹp tựa một đóa hoa. Bánh cuốn có thể ăn kèm với giò, chả, nhưng nhiều thực khách vẫn ưa thích kiểu ăn truyền thống chỉ chấm bánh với nước chấm.
Miếng bánh cuốn khi đưa lên miệng nhanh chóng kích thích vị giác của người ăn bởi cái ngọt, cái nồng nàn của nhân tôm hòa quyện cùng những giọt đậm đà, tinh khiết của nước mắm Diêm Ðiền, bánh không rưới mỡ nên ăn cảm giác thanh nhẹ, không bị ngấy. Bánh cuốn chợ Gú rất dễ chiều lòng người, dù ăn nóng hay ăn nguội vẫn đều rất ngon.
Cách Thưởng Thức Bánh Cuốn

Vỏ bánh thì được tráng mỏng dai, mịn màng bọc lấy phần nhân thịt tôm đỏ quyến rũ tạo nên một vẻ đẹp đơn giản nhưng hấp dẫn từ trong ra ngoài của chiếc bánh cuốn tôm. Bánh nóng hôi hổi, tan ngay trong miệng khi cắn một miếng khiến ai nấy cũng đều thổn thức không thôi. Đặc biệt, nước chấm còn là nước mắm tôm nguyên chất với độ sắc vàng như mật ong của riêng vùng đất nơi đây đã làm nao lòng biết bao du khách khi lần đầu tiên được thưởng thức một món ăn ngon đến như vậy.
Cùng Xem Video Bánh Cuốn Thái Bình Nhé:
Cách pha nước chấm bánh cuốn thơm ngon
Những chiếc bánh cuốn thanh mát, bổ dưỡng không thể thiếu bát nước chấm đúng vị. …
Bước 1: Ớt bỏ hạt, xắt tròn rồi băm nhuyễn.
Bước 2: Tỏi bóc vỏ, đập nhuyễn.
Bước 3: Chanh vắt lấy nước, bỏ hạt cho khỏi đắng.
Bước 4: Bạn pha nước chấm theo tỉ lệ: 30g dấm, 30 g đường, 30g nước mắm, 100g nước lọc.
Nếu bạn thích ăn nước mắm ngọt kiểu miền Nam thì dùng 50g đường, và 50ml nước mắm và bỏ dấm. Nếu bạn thích vị đậm hơn thì có thể tăng lượng nước mắm lên 30ml.
Nước chấm bánh cuốn cần phải được giữ ấm nóng trong chai thủy tinh cho đến khi ăn.
Không chỉ người dân địa phương mê bánh cuốn, nhiều người từ nơi khác về có dịp thưởng thức cũng dễ “phải lòng” món ăn dân dã ấy rồi cất công nhờ người quen mua giùm. Chúc Các Bạn ngon miệng