Nếu bạn đã từng ghé qua Thái Bình chắc hẳn bạn đã nghe nói đến loại cua rất đặc biệt có tên gọi cua Cà ra. Loại cua sông này có vị ngọt thơm đặc trưng không giống như những loại cua ghẹ khác, khiến bất cứ ai đã một lần thưởng thức sẽ không bao giờ quên. Vậy còn chần chừ gì mà không cùng Trùm vào bếp thưởng thức món ngon này nào.
Lẩu Cua Cà Ra – Ngon Khó Cưỡng

“Cua tháng ba, cà ra tháng tám” là thời điểm Cà ra chớm mùa nhưng Cà ra thực sự rộ nhất là vào tháng chín và tháng mười âm lịch. Đây là thời gian Cà ra béo ngậy và thơm ngon nhất. Một con cua Cà ra to có thể có trọng lượng lên đến 200g.
Cua Cà ra được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như cua rang me, cua hấp… nhưng món lẩu cua Cà ra thực sự là món ăn nếu bạn đã ăn một lần sẽ muốn ăn tiếp. Cũng là nước lẩu thơm ngon, vàng óng với vị chua thanh dịu của dấm bỗng và ngọt ngào của gạch cua, nhưng đặc biệt hơn là bạn sẽ được thưởng thức thịt cua Cà ra béo ngậy trong nồi lẩu nghi ngút hương thơm. Cua được thả vào nồi nước lẩu khi vẫn còn sống. Do vỏ cua mềm nên rất nhanh chín và khi ăn không cần dùng đến kìm kẹp như khi bạn ăn các loại cua ghẹ khác.
Lẩu cua Cà ra cũng được dùng kèm với rau sống, hoa chuối, rau muống, rau mùng tơi… cùng với bắp bò, gầu bò thái mỏng. Nhưng hương vị của món lẩu cua Cà ra này sẽ khiến bạn nhớ mãi và không hề do dự cho những lần thưởng thức sau.
Cách Làm Lẩu Cua Cà Ra

Nguyên liệu: (cho 6 người ăn)
Cua cà ra: 1 kg
Bún: 1 kg
Xương ống: 1 kg
Bắp bò: 300gr
Sườn sụn: 400 gr
Giấm bỗng: 200ml
Đậu phụ: 300gr
Hành khô: 100gr
Cà chua: 300gr
Rau ăn kèm: rau muống chẻ, rau cải, nấm tươi các loại
Hành lá, rau thơm, xà lách, gia vị, hạt nêm.
Cách Làm Lẩu Cua Cà Ra

Xương ống rửa sạch, chần qua nước sôi sau đó ninh với 2 lít nước để làm nước lẩu. Khi ninh, nhớ hớt bọt cho nước dùng được trong. Cua cà ra bỏ yếm, rửa sạch
Bắp bò thái miếng mỏng. Đậu phụ thái nhỏ, rán vàng. Hành khô bóc vỏ thái mỏng, phi vàng. Rau thơm nhặt rửa sạch, ngâm nước muối loãng, vớt ra để ráo. Sườn sụn chặt ngắn, chần qua nước sôi, ướp với chút gia vị cho ngấm.
Chắt lấy phần nước ninh xương chuyển sang nồi lẩu. Cho thêm giấm bỗng, cà chua, gia vị, hạt nêm để nồi nước dùng có vị chua dịu, độ mặn vừa phải, màu hồng tự nhiên của cà chua.
Xếp đậu rán, thịt bò, cua cà ra và các loại rau, nấm ra đĩa hoặc mẹt.
Khi ăn bật bếp cho nước dùng sôi thì thả hành phi vào cho thơm sau đó cho cua cà ra, sườn sụn vào nồi. Đợi cua chín thì nhấc ra bóc vỏ, gỡ thịt, chấm với muối tiêu. Khi ăn cho thịt bắp bò, đậu phụ vào nhúng ăn kèm với các loại rau. Nước lẩu có vị ngọt của xương và cua cà ra, chan với bún rất ngon.

Cách Thưởng Thức Lẩu Cua Cà Ra Thái Bình
Ngoài nước riêu, đồ ăn đi kèm của một nồi lẩu bao gồm đậu rán, giò tai, sườn sụn, trứng vịt lộn, bún và các loại rau ăn kèm tươi ngon. Các đồ ăn kèm được chế biến cẩn thận, nhìn ngon mắt, sạch sẽ, đầy đặn và không nên độn rau phía dưới như lẩu thường thấy.
Nồi lẩu được đưa ra là rất ngon mắt với nhiều gạch cua, hành phi. Nước dùng ở đây có lẽ được nấu từ rất nhiều cua nên khi nếm thử, bạn sẽ cảm nhận được vị thanh ngọt xen lẫn chút tanh chuẩn vị cua chứ không phải vị ngọt của nước xương. Vị ngọt thanh của cua quyện cùng vị chua dịu mà thơm của giấm bỗng tạo thành thứ nước dùng vô cùng thuyết phục và giúp cho đồ ăn kèm thêm hấp dẫn, đậm đà.
Với một món ngon như vậy bạn có thể lựa chọn cho mình một cách ăn: lẩu vỉa hè, lẩu quán, hay lẩu tại gia. Tùy thuộc vào những nhu cầu cá nhân bạn có thể lựa chọn linh hoạt cho món ăn của mình. Mua đồ và nguyên liệu về nấu cũng là một trong những thú vui giúp gia đình thêm ấm áp. Chúc căn bếp của bạn luôn đỏ lửa ấm áp. Và hãy đón đọc thêm những đặc sản nổi tiếng tại HungryPanda nhé. Chúc các bạn ngon miệng.