Về đến miệt Châu Đốc An Giang ta sẽ nhanh chóng cảm nhận được cái bình yên, thân thiện và nhiệt tình của miền quê bình dị dân dã. Cùng vô vàn những món đặc sản phong phú mang một sắc màu hết sức đặc trưng riêng biệt mà những nơi khác khó có được.
Lẩu mắm Châu Đốc như một món quà mà người dân nơi đây muốn gửi đến du khách để cùng thưởng thức vị thơm ngon hấp dẫn của nó.
Cùng Trùm đi ăn lẩu mắm nhé.
Lẩu Mắm Châu Đốc – Đặc Sản An Giang

Từ rất lâu đời nay mà mắm đã trở thành một món ăn thân thiết và quen thuộc của người dân miền Tây. Cùng với sự phát triển của xã hội các món ăn cũng như văn hóa ẩm thực của người dân ngày càng được gia tăng. Mắm ngày nay không chỉ còn là một món ăn đơn điệu. Mà đã được người ta chế biến thành vô số những đặc sản hấp dẫn điển hình như món lẩu mắm đầy tinh tế.
Nguyên liệu để chế biến ra món lẩu mắm khá đa dạng với nhiều loại rau của miền Tây sông nước như bông lục bình, bông điên điển, rau đắng, bông súng, càng cua… Cá nấu lẩu sẽ là những loài cá tươi ngon như cá kèo, cá linh, lươn…
Lẩu mắm là món ăn dân dã, mang hương vị đặc trưng của miền Tây. Nồi lẩu mắm chuẩn vị thường có thịt, tôm, mực, cá… Mắm cá linh được dùng chế biến nước lẩu mắm, tạo mùi vị khác biệt. Phần rau sống nhúng lẩu bao gồm các loại rau điên điển, rau nhút, diếp cá, giá đỗ, hẹ… Đến An Giang, du khách ăn lẩu mắm ở Long Xuyên mới đúng vị.
Mắm để cho vào lẩu mắm phải có ít nhất 3 loại mắm cá. Thông thường người ta hay cho mắm cá sặc, mắm cá chốt vào lẩu mắm. Mỗi loại mắm này được chế biến rất công phu qua nhiều công đoạn khác nhau. Các loại mắm cá này sẽ được cho vào nước lèo có nước cốt dừa và ninh trong một khoảng thời gian nhất định.

Khi được nấu xong, món lẩu mắm Châu Đốc phải đạt được nhiều yêu cầu. Nước dùng của lẩu vừa phải trong vừa có màu đặc trưng của mắm, khi ăn vào không nghe vị tanh mà thấy đậm đà, thơm mùi cá. Các loại cá trong lẩu mắm cũng phải thấm vị, không tanh, chắc và ngọt thịt. Những loại rau ăn kèm phải tươi rói và sạch sẽ. Thực khách khi ăn sẽ thấy món lẩu không quá mặn nhưng cũng không quá ngọt, nước lẩu vừa sánh mà không đặc, món lẩu có mùi thơm và các loại rau, cá ăn kèm đều thấm vị. Đó là một nồi lẩu mắm thành công.
Cách Làm Lẩu Mắm Châu Đốc

Nguyên Liệu Chuẩn Bị:
Thịt ba chỉ: 500 gram
Cá hú: 1 con khoảng 700 gram
Tôm: 300 gram
Mực: 300 gram
Cá viên: 300 gram
Mắm linh: 50 gram
Mắm sặc: 50 gram
Cà tím: 200 gram
Ớt sừng: 5 trái
Rau ăn kèm gồm
Thèo nèo: 100 gram
Cọng bông súng: 100 gram
Bạc hà: 100 gram
Rau đắng: 100 gram
Rau nhút: 200 gram
Bông bí đỏ:: 100 gram
Bắp chuối bào: 100 gram
Rau muống bào: 100 gram
Xương gà: 2 bộ
Bún tươi: 1 kg
Nước mắm, tỏi xay, ớt bằm, sả bằm: mỗi thứ 1 muỗng cà phê
Bột ngọt, dầu ăn
Cách Làm Lẩu Mắm
Rửa sạch thịt ba rọi, cắt miếng vừa ăn.
Rửa sạch tôm, để ráo.
Rửa sạch mực, cắt miếng vừa ăn, để ráo.
Làm sach cá, cắt khúc, để ráo.
Rạch đôi trái ớt, cho chả cá vào. Làm đến khi hết ớt. Phần cá còn lại, viên tròn.
Ngâm các loại rau với nước muối pha loãng, rửa sạch, để ráo.
Rửa sạch cà tím, cắt khúc.
Rửa sạch xương gà, trụng sơ qua nước sôi, để ráo, chặt miếng vừa.
Hầm xương gà với khoảng 2 lít nước dùng khoảng 30 phút. Lọc nước hầm qua rây, để riêng.
Cho 200 ml nước dùng vào nồi, nấu sôi. Cho 2 loại mắm vào, để hỗn hợp nước dùng và mắm sôi 5 phút thì tắt bếp. Lọc hỗn hợp qua rây để loại bỏ phần xương của mắm.
Phi thơm tỏi, cho phần nước lọc mắm vào, xào thơm.
Lấy một chảo khác, phi thơm tỏi, sả, ớt. Cho thịt ba rọi vào, xào chín.
Lần lượt đổ hai hỗn hợp vừa xào vào nước dùng, nấu sôi. Nêm nếm vừa ăn.
Dọn nước lẩu và đĩa tôm, mực, cá, cá viên cùng rau sống. Khi ăn, lần lượt làm chín các thành phần trên bằng nước lẩu.
Thưởng Thức Lẩu Mắm Châu Đốc

Ngồi bên nồi lẩu mắm Châu Đốc khói nghi ngút hương lan tỏa cùng với vô vàn loài cá và rau tươi ngon của miền quê. Thưởng thức vị đậm đà từ nước dùng được nấu qua bàn tay khéo léo của người chế biến thì còn gì ấm lòng hơn cho những người con xa quê.
– Lẩu mắm Hiếu Miên: Địa chỉ ở 5D Lê Lai, phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên, An Giang. Quán lẩu mắm này ít được khách du lịch biết tới nhưng lại được nhiều người dân địa phương yêu thích. Món lẩu mắm ở đây có nước lẩu đậm đà, thơm lừng mùi cá, ban đầu có vẻ nhạt nhưng khi nước sôi thì lại thành vừa ăn.
Các loại thịt, cá, ốc cũng khá nhiều, du khách có thể ăn thoải mái. Rau ăn kèm lẩu mắm ở Hiếu Miên nhiều loại, tươi xanh và sạch sẽ.
– Lẩu mắm Cây Dừa: Nằm ở 95/4 Trần Hưng Đạo, thành phố Long Xuyên, An Giang, lẩu mắm Cây Dừa được khá nhiều khách du lịch biết đến. Quán nằm trên tuyến đường chính đi Núi Bà nên thuận lợi cho du khách ghé ăn. Lẩu mắm ở đây được đánh giá là ngon, cá, tôm, thịt nhiều, rau nhiều, vị hơi ngọt đúng đặc trưng miền Tây.
Người Châu Đốc có bí quyết nấu các loại mắm riêng không lẫn với bất cứ đâu, nước mắm không quá mặn nhưng không nhạt; nước đậm vừa đủ ngả màu khi cho vào nước tạo thành nước lèo cho nồi lẩu, vừa sánh nhưng không đặc, tạo sự khác biệt của món ăn.
Lẩu mắm Châu Đốc là sự tổng hòa giữa ẩm thực sông nước với ẩm thực ruộng đồng, quả là “rau trời, cá nước”. Những loài cá tươi ngon roi rói được đánh lưới từ dòng sông Hậu ăn cùng với những loài rau từ thiên nhiên trên chính mảnh đất này.
Nếu đặt chân đến Châu Đốc dù là lần đầu tiên, hãy đừng quên thưởng thức lẩu mắm Châu Đốc bạn nhé.